Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

HÀ GIANG ký sự!


     Hà Giang - mảnh đất nơi địa đầu Tổ Quốc. Nơi có cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang. Hà Giang còn có cao nguyên đá Đồng Văn với những núi đá tai mèo trập trùng vô tận.
    Nghe giới thiệu về Hà Giang nhiều nhưng chưa có dịp lên thăm. Thật may là được đi cùng với các anh chị cựu sinh viên khoa Vật lý khoá I (1966 - 1970) lên Hà Giang trong 4 ngày (Từ 27/3 - 30/3/2014)
Ngày 27/03
    Đoàn xuất phát từ chung cư Trung Yên ( nhà anh Nguyễn Tất Thắng nguyên là GĐ SGD - ĐT Nam Định ) lúc 6h30. Lên đến Thái Nguyên đón thêm 2 chị. Tổng cộng cả đoàn có 15 người. Lên đến Tuyên Quang cả đoàn nghỉ ăn cơm trưa tại km số 9. Đến 16h tới thành phố Hà Giang. Vừa lên tới nơi đã gặp anh Vương Duy Võ (nguyên là PGĐ SGD - ĐT tỉnh Hà Giang, là cháu 5 đời của Vua Mèo), anh Võ đặt giúp đoàn chỗ ăn, nghỉ. Nhận phòng nghỉ, cả đoàn vui, phấn khởi vì được nghỉ ngơi sau chặng đường dài 320km. Tranh thủ trước lúc đi giao lưu với các anh chị ở Hà Giang, mấy chị em đi dạo quanh thành phố Hà Giang






 Buổi tối được các anh chị ở Hà Giang chiêu đãi thịnh soạn. Đoàn Hà Giang gồm có anh Vương Duy Võ ( nguyên PGĐ SGD&ĐT tỉnh Hà Giang) chị Nguyễn Thuý Nga ( nguyên GĐ TT Hướng Nghiệp & Dạy nghề ) anh Hoài - Trưởng phòng GDCN (SGD&ĐT tỉnh Hà Giang) anh Hán Xuân Sáu...Các anh các chị đều là cựu SV trường ĐHSP Việt Bắc. Cuộc gặp gỡ giao lưu thật thân mật, cảm động. 
     Ngày 28/3  Lên đường đi thăm Cổng trời Quản Bạ, Vú Tiên, thăm dinh họ Vương và cột cờ Lũng Cú.. Ra khỏi thành phố Hà Giang, đường lên  cổng trời Quản Bạ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu vắt  ngang lưng những ngọn núi đá tai mèo mở ra giữa hai bên vách núi cao chất ngất, càng đi càng heo hút, những mái nhà chỉ còn thấp thoáng bên triền núi. Rồi con đường bỗng dốc đứng lên cao, vòng cua khúc khuỷu với những khúc cua tay áo làm cho chị em phụ nữ chúng tôi nhiều lúc phải thót tim. Xe dừng nghỉ vì máy bị nóng, nhìn thấy mấy mẹ con người dân tộc bán củ mài ven đường, mọi người tranh nhau chụp tác nghiệp: chụp ảnh, quay phim...ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ 



    Đỉnh cao nhất của con đèo này là cổng trời Quản Bạ, cao 1.500m so với mực nước biển. Năm 1939, người Pháp đã xây dựng một bức tường đá và một cánh cổng gỗ nghiến dày 150mm án ngữ cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn này. Bây giờ, nơi này có tấm biển đề chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Cổng trời Quản Bạ. 
    Đỉnh cổng trời Quản Bạ chìm trong sương mù, rồi màn sương cũng dần biến  mất, trời sáng dần. Cả đoàn ai cũng phấn khởi sửa sang trang phục để chụp ảnh kỷ niệm trên cổng trời.(Ảnh).


 

                        Cổng trời Quản Bạ. 




Từ trên cao nhìn xuống. được tận mắt chiêm ngưỡng những quả đồi, núi nhấp nhô, được ngắm ngọn Núi Đôi tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Hai quả núi như bầu vú mẹ tròn trịa, đều đặn đến lạ thường gọi là Núi đôi  hay núi Cô Tiên



                                 Núi đôi ( Núi Cô Tiên)
Dù đường đi khó khăn nhưng ai cũng hào hứng, các anh, các chị thi nhau kể chuyện vui nên trên xe luôn đầy ắp tiếng cười quên đi những nỗi sợ, quên đi  những chặng đường đầy khó khăn. Trời đang nắng bỗng  mây trắng từ trên núi cao tràn xuống, biến cả thung lũng thành một biển mây bồng bềnh. 
Trời quang mây, những tia nắng đã phủ lên đỉnh núi. Cả đoàn lại lên xe đến thăm Dinh Họ Vương ( Vua Mèo Dương Chí Sình).
         Dinh thự họ Vương thuộc địa phận xã Sà Phìn. Quy mô của dinh không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai. Cả đoàn đã vào xem kho vũ khí, kho thuốc phiện, xem các phòng dành riêng cho bà cả, bà hai, bà ba của vua Mèo.
        Vương Chí Thành là con trai của vua Mèo. Sống ở quê nhà đến giữa năm 1959, ông Vương được triệu tập về Hà Nội họp Quốc hội. Năm 1960, khóa II Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Vương Chí Thành một lần nữa được tín nhiệm, trở thành Đại biểu của tỉnh Hà Giang. Ông sống và làm việc tại Hà Nội đến năm 1962 thì mất. Thi hài được đưa về an táng ngay trước cửa nhà Vương. Trên mộ ông được khắc đầy đủ tên tuổi, chức vụ và dòng chữ: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ” mà Bác Hồ tặng khi ông còn sống.



Mộ Vương Chí Sình (Tức Vương Chí Thành)

Chị em trong đoàn ngắm các trang phục Mèo thấy rất đẹp liền hóa trang thành những phụ nữ Mèo để chụp ảnh kỷ niệm